Ngày đăng: 22/09/2023
Nhiều thập kỷ trước đây, nếu nhắc đến whisky, giới mộ điệu trên toàn thế giới sẽ nghĩ ngay đến mạch nha đơn của Scotland. Tuy nhiên, có một sự “lội ngược dòng” trong thập kỷ qua. Ngày càng có nhiều dân sành rượu bày tỏ sự say mê của mình với rượu whisky Nhật Bản. Phương pháp chưng cất và thành phần có điểm tương đồng với Scotland, nhưng whisky Nhật Bản vẫn có nét riêng thu hút sự chú ý của thế giới.
Hương vị tinh tế chắt lọc từ tinh hoa Nhật Bản
Có thể nói, whisky Nhật khắc họa đậm nét tính cách đặc trưng của con người và thiên nhiên đất nước mặt trời mọc. Nổi tiếng với kỹ thuật pha trộn kết hợp với các loại rượu mạnh từ các thùng khác nhau tạo thành một tổng thể phức tạp và độc đáo, có mùi thanh nhẹ nhưng chất và hậu vị để lại mượt mà, sâu lắng hơn. Hương vị rượu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi từng loại thùng được sử dụng trong quá trình ủ mang đến những trải nghiệm khác biệt cho người thưởng thức. Một số có vị khói nhẹ, trong khi nhiều loại khác sẽ mang hương vị ngọt ngào của mật ong hoặc thanh mát của trái cây.
Khí hậu và nguồn nước cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hương vị whisky Nhật Bản. Hầu hết các nhà máy chưng cất sẽ chọn xây dựng ở những khu vực có nguồn nước tinh khiết, có nguồn lúa mạch được trồng tại địa phương để đảm bảo hương vị hoàn hảo. Khác biệt về khí hậu, sự nóng ẩm vào mùa hè và lạnh giá mùa đông cho phép các chuyên gia phối trộn tạo nên nhiều nét hương khác nhau, để lại một chất vị nồng nàn, khó quên. Ai đã từng một lần thưởng thức sẽ càng muốn đắm mình trong vị tinh tế ấy nhiều lần nữa.
Bên cạnh thiên nhiên, điều làm nên sự khác biệt của rượu whisky Nhật Bản là sự chú ý đáng kinh ngạc đến từng chi tiết trong các bước của quy trình, tất cả đều được thúc đẩy bởi sự theo đuổi không ngừng của chủ nghĩa hoàn hảo – đặc trưng văn hoá Nhật Bản. Không hề cường điệu khi nói rằng thứ chất lỏng sóng sánh làm say lòng người này chính là biểu tượng cho chính vùng đất và con người sản xuất ra nó, là sản phẩm tinh hoa của nhiều thế hệ làm việc chăm chỉ và cải tiến không ngừng.
Vị thế tiên phong và hành trình 100 năm ấn tượng
Sự công nhận và hưởng ứng toàn cầu dành cho whisky Nhật bắt đầu từ thế kỷ 21, và một trong những nhà sản xuất lớn và nổi tiếng nhất phải kể đến House of Suntory. Thậm chí, nhiều người lần đầu biết đến whisky Nhật cũng là nhờ cảnh phim quảng cáo của hãng, từ bộ phim “Lost in Translation” (2003). Lời khẳng định mạnh mẽ của nam diễn viên chính khi nhắc đến dòng rượu Hibiki 17 tuổi của hãng Suntory “Đây chính là thời của Suntory” có thể được xem là “lời tiên tri” về một tương lai rực sáng của whisky Nhật.
Với nhiều thành tựu và dấu ấn đáng nhớ, đế chế House of Suntory kỷ niệm 100 năm lịch sử, một cột mốc quan trọng đối với lịch sử của Suntory nói chung và văn hóa rượu mạnh của Nhật Bản nói riêng.
Được xem là “Khai quốc công thần” của văn hóa whisky nước Nhật, người sáng lập Shinjiro Torii đã xây dựng nhà máy chưng cất rượu mạch nha đầu tiên ở Yamazaki vào năm 1923. Bậc thầy pha chế thứ hai của Suntory, Keizo Saji, người tiếp tục thành lập các nhà máy chưng cất bao gồm Nhà máy chưng cất Hakushu và Chita.
Từ khát vọng cháy bỏng “tạo nên một dòng whisky nguyên bản, là hiện thân của văn hóa, triết học và truyền thống Nhật Bản và hội tụ tinh hoa tay nghề thủ công của Nhật Bản” của người sáng lập Shinjiro Torii, Kể từ khi thành lập, House of Suntory đã chế tạo ra những loại rượu mạnh đẳng cấp thế giới và được biết đến với Yamazaki, Hakushu, Chita, Kakubin, Hibiki, Suntory Whiskey Toki và Ao, cũng như Roku Gin và Haku Vodka. Các chai Yamazaki 12 và 18 tuổi trăm năm mới sẽ có mặt tại một số thị trường toàn cầu chọn lọc ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Châu Âu và Châu Á.
Đánh dấu một thế kỷ kể từ ngày sáng lập, House of Suntory ra mắt bốn phiên bản giới hạn mới: Yamazaki Mizunara 18 năm tuổi, Hakushu 18 năm tuổi, cũng như thiết kế phiên bản giới hạn kỷ niệm 100 năm cho Yamazaki 12 năm tuổi và Hakushu 12 năm tuổi.
Trong buổi triển lãm 100 năm đế chế House of Suntory, ông Shinji Fukuyo – Chief Blender (Chuyên gia phối trộn) đời thứ 5 trong lịch sử của Suntory cũng bày tỏ mong đợi về sự cách tân trong văn hóa whisky Nhật nói riêng và Suntory nói chung: “Chúng tôi tin rằng, hương vị tinh tế của rượu whisky Nhật Bản sẽ có cơ hội tiếp cận và trở nên nổi tiếng với nhiều người trên thế giới hơn. Không chỉ vì chất lượng tuyệt vời của những sản phẩm đã giành giải thưởng mà còn vì những dòng sản phẩm đa dạng của House of Suntory và văn hoá “thưởng rượu trong những bữa ăn”, ví dụ như highball.
Chắt lọc tinh hoa thiên nhiên và tinh thần của người Nhật cùng những nhân tố chủ đạo tạo nên bản sắc cho văn hóa whisky của đất nước mặt trời mọc như Tự nhiên (Wa), Tay nghề thủ công (Monozukuri), Văn hóa bản địa (Omotenashi), hương vị mạch nha tuyệt hảo của nhà Suntory đã chiếm được cảm tình của dân mộ điệu trên toàn thế giới và chắc chắn sẽ tiếp tục làm say đắm trái tim của nhiều người yêu thích whisky trong nhiều năm tới.