Ngày đăng: 12/08/2023
“Mộng Viễn Đông | The Faraway East: of Dreams and Pursuits” giới thiệu hơn 50 tác phẩm chưa từng được trưng bày trước công chúng Việt Nam, bao gồm sáng tác của các nghệ sỹ du hành từ Pháp đến Đông Dương và họa sư người Pháp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, như Victor Tardieu, Jean-Louis Paguenaud và André Maire.
Nối tiếp thành công của “Hồn Xưa Bến Lạ | Timeless Souls: Beyond the Voyage” vào tháng 7 năm ngoái – triển lãm đầu tiên Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam, tôn vinh nghệ thuật của các họa sỹ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, một sự kiện trưng bày nghệ thuật hiện đại quy mô lớn với hàng ngàn khách tham dự; trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm nay, Sotheby’s chào đón khách thưởng lãm cùng khám phá xứ Đông Dương một thời, qua câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sỹ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây.
Trong bài viết “Mộng: The Shared Dreams of a Remarkable Era” (tạm dịch: Những giấc mơ chung của một kỷ nguyên vĩ đại), tác giả John Seed bày tỏ: “Sự hiện diện của các nghệ sỹ châu Âu ở Đông Dương thuộc Pháp đã dẫn đến một sự trao đổi văn hóa, từ đó cho ra đời các phong cách và hình thức lai ghép đáng chú ý. Nhiều nghệ sỹ đến thăm Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, nhận thấy nghệ thuật của họ như được tái sinh sau khi tiếp xúc với những cảnh quan xanh tươi và một nền văn hóa địa phương sôi động. Các nghệ sỹ Đông Dương theo học với các giáo viên người Pháp, đã được tiếp xúc với các phong cách và phương pháp châu Âu – cả truyền thống và hiện đại – họ đã nhanh chóng tiếp thu và tạo dựng được những cái riêng của họ.
… Nhìn lại di sản của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam – vốn đầy sức sống và tươi mới, nhờ vào cảm quan khám phá thẩm mỹ của một thế hệ nghệ sỹ trẻ – nhắc nhở chúng ta về những thành công của một cuộc trao đổi văn hóa đã bị lu mờ bởi chiến tranh và chính trị. Tương tự như vậy, ngắm nhìn tác phẩm của các nghệ sỹ Pháp từng du hành và giảng dạy tại Việt Nam, có thể nhận ra tình cảm chân thành của họ đối với con người và vùng đất mà họ đã vẽ. Đó là thời kỳ của hy vọng và tình cảm, được thể hiện thông qua các nền văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật“.
Trích lời từ Ace Lê, giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s: “Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, và cả chiều ngược lại”.
Theo chia sẻ của Jasmine Prasetio, giám đốc điều hành Sotheby’s khu vực Đông Nam Á: “Đánh dấu 50 năm hoạt động ở châu Á của Sotheby’s, cùng sự thành công gần đây của cuộc triển lãm và đấu giá tại Singapore, chúng tôi háo hức thiết lập thêm một cột mốc nữa tại Đông Nam Á, bằng việc trở lại Việt Nam với phiên bản thứ hai của chuỗi triển lãm do Sotheby’s tổ chức. Khi định vị tương lai của Sotheby’s trong khu vực, sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi là tiếp tục hỗ trợ kiến thiết hệ sinh thái nghệ thuật và văn hóa bản địa. Bằng việc giới thiệu những kiệt tác này tới công chúng, chúng tôi hy vọng triển lãm sẽ thu hút, cung cấp thông tin, truyền cảm hứng cho cộng đồng nghệ thuật và hơn thế nữa”.