Ngày đăng: 07/09/2024
Mercedes-Benz 300SL 1957 (số hiệu W198) với thiết kế kiểu mở cửa cánh chim được coi là một trong những chiếc xe đẹp và đáng mơ ước nhất mọi thời đại. Theo công bố, chỉ có 1.858 chiếc 300SL được hãng xe Đức sản xuất từ năm 1957 đến năm 1963.
Trong đó, phiên bản xe thể thao đặc biệt Roadster W198 mui trần với bộ bánh xe và lazăng PZ Rudge cùng lốp dự phòng gắn trong cốp phía sau chỉ chiếm 1,5%, tức chỉ có 27 chiếc trên thế giới. Chính vì độ độc hiếm này nên những chiếc Mercedes 300SL Roadster hầu như chỉ nằm trong các bộ sưu tập tư nhân và rất ít khi được rao bán.
Gullwing Motor Cars Inc, một công ty chuyên mua bán xe cũ có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) đã công bố sẽ đưa lên sàn đấu giá “siêu phẩm” Mercedes 300SL Roadster. Cụ thể, chiếc Mercedes này được niêm yết với mức giá khởi điểm là khoảng 2,6 triệu USD (64,6 tỷ đồng). Nếu bán thành công, đây sẽ là chiếc xe Mercedes cổ có giá bán cao nhất thế giới từ trước tới nay.
Đoạn thông báo của công ty này nêu rõ: “Chiếc W198 Mercedes-Benz 300SL Roadster này là 1 trong số 27 chiếc trên thế giới với bánh xe Rudge, lớp sơn DB 180 Silbergrau Metallic và da 1079 Rot đều nguyên bản”.
Điều đặc biệt, chiếc xe này chưa từng xuất hiện ở bất kỳ cuộc thi hay đấu giá nào trước đây. Đồng thời, xe vẫn đáp ứng mọi tiêu chuẩn vận hành tốt ngay cả với những chuyến đi dài ngày.
“Xét về mặt sưu tầm, chiếc xe có tên gọi “Factory Rudge” thực sự là tùy chọn nguyên bản hiếm nhất và được thèm muốn nhất trên thế giới”, đại diện Gullwing Motor Cars Inc nói.
300SL W198 được chế tạo dựa trên chiếc xe đua W194 huyền thoại của thương hiệu Mercedes. Mục tiêu của 300SL là vừa đạt được hiệu suất cao như mẫu xe đua nhưng vẫn phải đẹp mắt và quan trọng nhất là nó được sử dụng hợp pháp trên đường phố.
Xe sở hữu khối động cơ DOHC, 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 3.0 lít, sản sinh công suất khoảng 215 mã lực và mô-men xoắn 274 Nm. Nhờ hiệu suất đó mà Mercedes 300 SL Roadster nhanh chóng được biết đến với khả năng vận hành ấn tượng và có thể đạt tốc độ tối đa 260 km/h, đồng thời trở thành “ông hoàng” thời đó.